Life of Pi - Tinh tế, duy mỹ và kỳ diệu
- Yuki Crosszeria
- Apr 12, 2020
- 3 min read
Updated: Apr 23, 2021
“Là thật sao? Thế giới mà ta đang sống, hóa ra lại xinh đẹp tới nhường này sao?”
Đó là suy nghĩ của tôi sau khi xem “Cuộc đời của Pi”. Có gì đó ở bộ phim như ma thuật lôi cuốn, đẹp tới mê mẩn, lạ kỳ nhưng lại chân thực đến khó tin, khiến tôi không thể nhận ra đâu là kỳ ảo và đâu là hiện thực. Giữa muôn vàn những bộ phim đã được công chiếu, “Life of Pi” có thể nói là bộ phim đẹp nhất mà tôi từng biết.
“Life of Pi” được ra mắt chính thức năm 2012, khi mà thể loại 3D đã quen thuộc với khán giả thế giới, đặc biệt là sau sự xuất hiện của bom tấn “Avatar”. Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Yann Martel, một tiểu thuyết vốn được giới điện ảnh gán mác “Không thể dựng thành phim” trong suốt 10 năm vì ba lý do: Thứ nhất, chúng ta giải quyết câu chuyện mà 2/3 thời gian diễn ra trên chiếc xuồng cứu sinh dài 8m kiểu gì? Thứ hai, phải giải đáp câu hỏi về Chúa Trời xuyên suốt tác phẩm ra sao? Và cuối cùng, ta có thể mang chất thơ mỹ cảm mà tàn nhẫn của “Life of Pi” lên màn ảnh được sao?
Và không phụ sự trông đợi của khán giả toàn thế giới, Lý An - vị đạo diễn thành danh với những kiệt tác “Ngọa hổ tàng long” và “Brokeback Mountain”… đã thật sự đem được cái mỹ cảm tuyệt đẹp của tiểu thuyết vào trong phim.

“Life of Pi” là câu chuyện xoay quanh Pi, một cậu bé 16 tuổi người Ấn Độ và là con trai của một ông chủ sở thú nổi tiếng ở Pondicherry, Ấn Độ. Cuộc đời Pi nhanh chóng rẽ sang bước ngoặt mới khi gia đình cậu di cư sang Mỹ: Con tàu của họ đã bị đắm vào đêm vượt qua Thái Bình Dương và Pi là người duy nhất còn sống sót khi bám vào được một chiếc xuồng cứu nạn. Tuy nhiên, trên xuồng không chỉ có một mình cậu bé mà còn có cả một con ngựa vằn bị gãy chân, một con đười ươi bị say sóng, một con linh cẩu đang đói và một con hổ hung dữ.
Mỗi cảnh quay đẹp đến sững sờ và run rẩy của “Life of Pi” không chỉ thấm đẫm mỹ cảm mà còn là những ẩn dụ sâu xa về đức tin, nỗi nghi vấn, và niềm hoang mang tôn giáo mà Pi đối diện từ thời thơ ấu, đặc biệt là trong 227 ngày lênh đênh trên Thái Bình Dương. Sau những chuỗi ngày lênh đênh trên lằn ranh sinh tử, Pi hiểu được rằng dù bạn thờ vị Thánh và theo tôn giáo nào cũng không sao cả. Chỉ có một vị Thiên Chúa, và ngài luôn ở trong lòng bạn, đó là đức tin của riêng bạn.

Trung thành với phong cách mỹ cảm của mình, và có lẽ vì cả sức ép từ studio, Lý An đã tước bỏ đi khá nhiều khía cạnh “tàn nhẫn” của tiểu thuyết, để nó phù hợp hơn với mọi đối tượng khán giả. Ta sẽ không thấy con linh cẩu ăn sống con ngựa vằn, cắn đứt đầu con đười ươi, hay cậu bé ăn phân của Richard Parker, nhưng ấn tượng về sự khắc nghiệt của chuyến hải trình không vì thế mà giảm sút. Có điều, nếu “Life of Pi” của Yann Martel bi tráng một cách kinh sợ thì “Life of Pi” của Lý An lại đẹp đến kinh diễm, khiến người xem bỗng cảm thấy hành trình của Pi, với bấy nhiêu đau khổ đọa đày, trong chừng mực nào đấy, vẫn là rất đáng. Cái đẹp ở “Life of Pi” không chỉ đẹp để mà đẹp. Đây là cái đẹp thăng hoa của tâm linh, của mối giao cảm giữa trời và nước, thiên đàng và trần thế, của mối tình ghen tuông và chiếm hữu mà cái chết dành cho sự sống. Câu chuyện của Pi chứa đựng một quyền năng khiến nhân vật nhà văn tin vào Chúa Trời, còn bộ phim về Pi sở hữu một vẻ đẹp làm người xem tin vào điện ảnh – điều dường như đã trở thành xa xỉ trong thời đại ngày nay.
Tác giả: Yuki Crosszeria * Bài viết được tham khảo từ Nham Hoa - filmstutamlang.wordpress.com
コメント